Chiến tranh tâm lý của Mourinho không chỉ được dùng để “tiêu diệt” đối thủ, mà còn được sử dụng để khích lệ các cầu thủ của ông. Ngay cả khi HLV người Bồ Đào Nha im lặng.
Sự im lặng của Mourinho vào giờ nghỉ trận gặp Fulham vừa qua hóa ra lại là một hành động khôn ngoan: Chelsea bế tắc trong hiệp một, nhưng chơi cực kỳ mạnh mẽ trong hiệp hai và giành chiến thắng. Đó chỉ là một ví dụ trong rất nhiều dẫn chứng về nghệ thuật tâm lý của ông.
Đó là sự im lặng đầy bản lĩnh: Mourinho không hề nóng vội, dù Chelsea đã chơi tệ trước một đội cuối bảng. Ông hiểu khi nào cần phải “xạc” cho họ một trận, và khi nào không.
Một nhà tâm lý bậc thầy
Nhiều người cho rằng Mourinho là một nhà chiến thuật tỉ mỉ và khô khan, nhưng thực chất, nền tảng trong phương pháp huấn luyện của HLV người Bồ là tác động vào các cá nhân và đánh thức động lực của họ bằng các thủ thuật tâm lý. Vấn đề càng phức tạp hơn với một đội bóng có 22-23 cầu thủ: Mỗi người có một cá tính khác nhau và bị dẫn dắt bởi những tác động khác nhau.
Mourinho biến “tâm lý chiến” với các cầu thủ thành một nghệ thuật bằng hiểu biết sâu sắc đến kinh ngạc với từng cá nhân và lựa chọn những tác động đúng đắn. Ngoài ra, ông còn phải giữ cho cả đội hình cân bằng về tâm lý, để họ không tị nạnh và cùng phấn đấu vì một mục tiêu chung.
Có rất nhiều ví dụ chứng minh rằng Mourinho hiểu cần phải làm gì với từng cầu thủ khác nhau. Trong lần đầu dẫn dắt Chelsea, Mourinho nói với Frank Lampard rằng “cậu là cầu thủ tốt nhất Thế giới”, dù vào thời điểm ấy, Lampard vẫn chỉ là một tiền vệ hạng khá và chẳng có gì trong tay. Kết quả? Anh giúp Chelsea giành rất nhiều danh hiệu và trở thành một trong những tiền vệ con thoi hay nhất của lịch sử Premier League.
Nhưng đôi khi Mourinho lại cất “củ cà rốt” đi để dùng “cây gậy”. Khi còn dẫn dắt Inter Milan, trong một trận đấu mà đội bóng áo xanh đen chơi rất bế tắc trong hiệp một, Mourinho đã gọi Zlatan Ibrahimovic ra và mỉa mai:“Cậu nên đem cái giải thưởng vừa rồi (khi ấy, Ibra vừa nhận giải Cầu thủ nước ngoài hay nhất Serie A) về mà tặng mẹ cậu đi, bà ấy xứng đáng với nó hơn cậu.” Kết quả? Ibra hứa hẹn rằng anh sẽ chơi đến khi đổ máu trong hiệp hai, và thực tế là tiền đạo người Thụy Điển đã chạy như điên, rồi ghi một bàn thắng.
Mourinho quan tâm đến khía cạnh tâm lý hơn bất kỳ ai |
Chiến thắng phải là nỗi ám ảnh
Phương pháp của Mourinho vượt qua những cuộc úy lạo, hoặc mắng mỏ thông thường các HLV vẫn hay dùng, vì ông dựa trên hiểu biết về từng cá nhân để đưa ra cách kích thích động lực phù hợp: “Có nhiều con đường để trở thành một HLV vĩ đại, nhưng theo tôi, điều khó khăn nhất là dẫn dắt những cá nhân đến từ những nền văn hóa khác nhau, tư duy khác nhau và chất lượng khác nhau. Và tôi cho rằng quản lý được chuyện này là quan trọng nhất.”
Nhận thức được điều này cũng giúp Mourinho thành công ở các giải đấu khác nhau. Ông hấp thụ các giá trị văn hóa, tóm tắt tâm trí của từng cầu thủ và triển khai chiến lược tâm lý cho phù hợp. Chủ nghĩa thực dụng của Mourinho không chỉ được áp dụng cho chiến thuật.
Nhưng điều làm cho phương pháp kích thích tâm lý của Mourinho trở nên hoàn hảo là cách ông thống nhất các cầu thủ bằng một mục tiêu chung. Ông khích lệ các cá nhân theo cách phù hợp với từng người, nhưng trước đó, HLV người Bồ tạo ra nền tảng tâm lý là khát khao chung của cả đội.
Mọi cầu thủ đều muốn chiến thắng, nhưng khả năng hy sinh của họ là khác nhau. Mourinho thì muốn tất cả đều phải hy sinh hết mình: “Từ nay, trong mỗi buổi tập, mỗi trận đấu và bất kỳ phút giây nào trong cuộc sống của các anh, các anh đều phải tập trung vào mục tiêu vô địch.” – HLV người Bồ đã viết cho các cầu thủ một mẩu thông điệp như thế khi mới nhận lời dẫn dắt Chelsea lần đầu.
Ông biến chiến thắng thành một nỗi ám ảnh với các cầu thủ và khiến họ phải tâm niệm rằng bóng đá không chỉ là nghề nghiệp của họ, mà còn là thứ sẽ chiếm 95% cuộc đời họ. Làm được như thế, các cầu thủ sẽ không chỉ chiến đấu vì lương, thưởng hay quyền lợi. Họ khát khao chiến thắng thật sự và xả thân vì nó.
Tuy nhiên, Mourinho, dù là một người không hề biết mệt mỏi với mục tiêu chiến thắng, vẫn đủ tinh ý để nhận ra rằng khi nào các cầu thủ của ông “hết pin” vì vắt kiệt sức cho “lý tưởng” ông vạch ra. Tại Inter, khi nhận thấy Wesley Sneijder kiệt sức, ông đến gặp anh ta và đề xuất một kỳ nghỉ, bất chấp mùa giải đang diễn ra rất căng thẳng: “Ông ấy đã cho tôi đi biển. Vì vậy, tôi đã đi nghỉ ở Ibiza trong ba ngày và khi trở lại, tôi đã chuẩn bị để tàn sát và chết vì ông ấy.” – Sneijder kể lại.
Trận thắng Fulham vừa qua là lần đầu tiên Mourinho im lặng trong giờ nghỉ |
Chỉ có Mourinho là dùng được phương pháp của Mourinho
Mourinho quan tâm đến khía cạnh tâm lý hơn bất kỳ ai. Tại Uniao de Leiria, đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên ông dẫn dắt, Mourinho đã tham vấn David Barreirinhas, một thành viên trong Ban huấn luyện, về cách thức trở thành một cố vấn tâm lý cho các cầu thủ. Barreirinhas kể lại: “Tôi nhận ra rằng Jose Mourinho là người quan tâm một cách chi tiết rằng cầu thủ cũng là con người, và họ cũng có thể phải trải qua những ngày xấu chơi.”
Mở cuốn tự truyện của bất kỳ cầu thủ bóng đá nào, bạn cũng sẽ đều bắt gặp những dòng kể lại thời điểm mà họ từng suy sụp, nhưng các HLV lại thường quên điều ấy. Việc quan tâm kỹ càng đến khía cạnh này không những giúp Mourinho được các cầu thủ tin tưởng, mà còn giúp họ giải phóng năng lượng tiêu cực ấy để nâng cao hiệu suất trên sân.
Trong khi thừa nhận sự quan trọng của dinh dưỡng thể thao và tập thể lực, Mourinho cũng chú ý đến các yếu tố về tình cảm và lòng tự trọng của họ. Tâm lý ổn định là chưa đủ. Mourinho muốn các cầu thủ phải được hạnh phúc, trên mọi khía cạnh của cuộc sống.
Ông cũng rất biết cách đánh thức lòng thù hận của phe mình dẫn dắt với các đối thủ. Nhà tâm lý học thể thao James Hamilton đã chỉ ra rằng những phát ngôn ngạo mạn trong phòng họp báo của Mourinho chính là nhằm mục đích tạo tâm lý “chúng ta chống lại tất cả” cho các cầu thủ của mình. Đó cũng là cách để đánh thức lòng tự hào: Khi Mourinho coi số đông là “không đáng quan tâm”, thì các cầu thủ của ông có cảm giác rằng họ ở cao hơn thiên hạ, và là những người sống sót thượng đẳng.
Trong các cuộc họp báo, vốn từ vựng của Mourinho cũng là một chủ đề thú vị. Trong khi các HLV ở Anh thường chỉ gọi các cầu thủ của họ là “con trai” (boys), hay “chàng trai” (lads), Mourinho gọi họ là “những người đàn ông” (men), giống như một vị tướng quân nói với binh sĩ của mình.
Đó cũng là một sự nâng cao tự tôn của các cầu thủ, và bình đẳng với họ. Bằng cách gọi họ là những người đàn ông, Mourinho cũng đánh thức được sự chín chắn lẫn trách nhiệm, và các đội bóng của Mourinho thường mang những phẩm chất quý giá này.
Khả năng ngôn ngữ và biểu đạt bằng cử chỉ xuất sắc đã hỗ trợ Mourinho rất nhiều trong việc thu phục nhân tâm: “Tôi không biết ông ấy làm cách nào, nhưng ông ấy có một số thủ thuật khiến tất cả đều phải lắng nghe.” Nói cách khác, chỉ có Mourinho mới dùng được những phương pháp ông đã hệ thống, nhờ khả năng thu phục tuyệt vời bằng lời lẽ và cử chỉ.
Trận thắng Fulham vừa qua là lần đầu tiên Mourinho im lặng trong giờ nghỉ, và “lần đầu tiên” ấy cho thấy rằng nghệ thuật tâm lý của ông đã phát triển đến một cấp độ cao hơn: Mourinho biết cách truyền đạt ý tưởng của mình, ngay cả khi câm lặng.